Xây nhà như xây tổ ấm. Đó là điều mà ai ai trong chúng ta cũng hướng đến từ khi nhen nhóm ý tưởng đến khi thực sự bắt tay vào xây nhà thật sự. Tuy nhiên, từ hình dung cho đến thực tế là một chặng đường dài, và có những điều bạn cần phải biết rõ trước khi bước vào hành trình xây dựng ngôi nhà độc đáo của riêng bạn.
Chúng tôi thường nói đùa với nhau rằng, xây dựng và thiết kế một căn nhà không phải là công việc dành cho những người yếu tim, bởi nó đòi hỏi rất nhiều sự kiên trì và thuật cân bằng hoàn hảo giữa cứng rắn và linh hoạt để có thể tạo nên được sản phẩm cuối cùng. Có rất nhiều công đoạn trong quá trình xây dựng một căn nhà mà bạn cần phải hình dung rõ ràng, hiểu rõ mỗi giai đoạn cần phải làm những gì để có thể chuẩn bị tốt nhất cho quá trình thành hình ngôi nhà của bạn.
Từ việc xác định ngân sách, tạo hình thiết kế, bắt tay vào thi công, sắm sửa trang thiết bị, nội thất và hoàn công cho ngôi nhà, sau đây là 5 điều quan trọng bạn cần lưu ý trước khi xây dựng một căn nhà trong mơ.
1 - Xác định ngân sách và dự trù những khoản phát sinh
Điều quan trọng nhất để xây dựng thành công một ngôi nhà kiên cố, vững chãi, có thể làm tổ ấm cho bạn và gia đình chính là việc xác định và dự trữ cho bản thân mình một ngân sách đủ mạnh. Trong số các loại tài sản, có thể nói, nhà là tài sản lớn nhất và sẽ “ngốn” rất nhiều khoản trong chi tiêu của bạn. Vì vậy, bạn phải dự trù chi phí thật kỹ càng.
Nhưng như vậy không có nghĩa là bạn không thể có được căn nhà hoàn hảo đúng nghĩa nếu không có được nguồn vốn khổng lồ. Tất nhiên, mọi thứ sẽ dao động tùy vào nhu cầu sử dụng và mục đích thiết kế của bạn. Không quan trọng là bạn có bao nhiêu, quan trọng là bạn biết cách thu vén chi tiêu của mình để đạt được lợi ích cao nhất.
Hãy lập một danh sách với mọi điều bạn dự tính sẽ cần để xây nhà đúng theo mong ước của bạn. Bạn có thể lập kế hoạch đi theo giai đoạn: tư vấn - thiết kế - thi công - bảo hành. Trong từng giai đoạn, hãy cố gắng làm rõ nhất có thể những mong đợi của bản thân. Chẳng hạn như bạn muốn căn nhà có bao nhiêu phòng, mỗi phòng sẽ phải có công năng gì, cảm giác bạn mong muốn ngôi nhà mang lại ra sao.
Sau đó, xác định mức chi phí bạn có thể chi cho từng hạng mục. Nếu bạn thích tự tay tạo nên tổ ấm của mình, thì bạn sẽ tiết kiệm được một khoản kha khá cho người tư vấn thiết kế. Tuy nhiên, nếu bạn chỉ có ý tưởng nhưng không tin lắm vào khả năng sắp đặt không gian, thì lời khuyên của chúng tôi là bạn nên tìm cho mình một đơn vị có đủ kinh nghiệm.
Việc lập danh sách sẽ giúp bạn không bị bội chi, cũng như dễ dàng theo dõi các khoản chi tiêu trong từng giai đoạn. Mặc dù vậy, đừng quên dự trù một khoản tối thiểu 5% tổng giá trị xây dựng căn nhà cho những vấn đề ngoài lề như giấy phép xây dựng, chi phí sử dụng đất, thay đổi trong thiết kế hoặc thời hạn thi công, chi phí vận chuyển nội thất,... Tính toán kỹ lưỡng từ ban đầu sẽ tiết kiệm thời gian cho bạn sau này, và chắc chắn sẽ giúp bạn giảm đi rất nhiều áp lực khi bước vào các giai đoạn khó nhằn hơn về sau.
2 - Thiết kế cho tương lai của bạn
Vì nhà ở là một bất động sản sẽ tồn tại rất lâu trong cuộc sống của chúng ta, nên việc tạo hình cho chúng đòi hỏi bạn hãy suy nghĩ thật kỹ.
Nhu cầu sử dụng nhà của bạn sẽ thay đổi vào những giai đoạn khác nhau. Nếu bạn là một cặp vợ chồng mới cưới, bạn sẽ sớm cảm thấy biết ơn vì mình đã suy nghĩ thấu đáo khi gia đình bạn bắt đầu xuất hiện thêm những đứa trẻ. Hoặc nếu bạn muốn một căn nhà để an cư về lâu dài, bạn sẽ thấy tuyệt vời làm sao khi căn nhà đã được thiết kế cho mọi nhu cầu nghỉ ngơi, thư giãn với mọi tiện nghi chất lượng cao nhất đã được mình dự tính ngay từ đầu.
Bên cạnh đó, có rất nhiều xu hướng thiết kế nhà ở khác nhau xuất hiện, nhưng nhà của bạn thì chỉ có một (hoặc một con số giới hạn) thôi. Bạn sẽ không thể áp dụng ngay mọi xu hướng mới nhất vào căn nhà của mình. Câu hỏi đau đầu luôn là: Làm thế nào để căn nhà mang đúng phong cách của tôi nhưng không lỗi thời?
Bạn muốn thiết kế một phòng khách rộng rãi để tiếp đón bạn bè vào cuối tuần, trong khi vợ bạn lại muốn sở hữu một gian bếp thật to với đầy đủ tiện nghi để thỏa mãn đam mê nấu nướng của nàng,... Việc thiết kế đảm bảo tính công năng sẽ là yếu tố quan trọng hàng đầu cho căn nhà của bạn.
Nếu có thể, hãy tìm một kiến trúc sư và một đơn vị thiết kế nội thất chuyên nghiệp để giúp bạn dễ dàng hơn trong quá trình này. Họ sẽ cho bạn kinh nghiệm và những lời gợi ý hiện thực hóa ý tưởng một cách hiệu quả.
3 - Tìm kiếm đơn vị thi công tốt
Lựa chọn đơn vị thi công có thể nói là yếu tố quan trọng nhất quyết định tương lai căn nhà của bạn, và hãy chắc chắn là bạn chọn đúng người!
Quá trình dài hơi nhất có lẽ là công đoạn thi công căn nhà. Không giống như một bản vẽ, khi bạn có thể thấy mọi thứ ngay lập tức, bạn sẽ không nhìn thấy căn phòng khách mơ ước hay căn phòng ngủ dễ chịu của mình ngay lập tức, nhưng bạn biết mọi thứ người thợ thi công đặt vào ngôi nhà của bạn hôm nay sẽ góp phần tạo hình nên chúng vào ngày mai. Vì vậy, lựa chọn một đội ngũ thi công có tay nghề cao và đủ tin tưởng để bạn có thể thoải mái làm việc cùng sẽ là điều cần thiết.
Trước tiên, hãy kiểm tra kinh nghiệm của họ thông qua những dự án họ đã làm, chất lượng và độ bảo hành của dự án. Sau đó, hãy quan sát phong cách làm việc của họ xem có phù hợp với bạn hay không. Những nhà thầu tốt sẽ là những người giỏi nhất về mặt chuyên môn, nhưng đồng thời vẫn sẵn lòng lắng nghe mong muốn của bạn. Hai bên cần có đủ sự tin tưởng và tôn trọng lẫn nhau để có thể đi cùng nhau lâu dài.
4 - Xác định rõ phong cách, chọn nội thất dễ dàng
Cho dù bạn có yêu thích và hứng thú với căn nhà mới bao nhiêu thì công đoạn lựa chọn nội thất vẫn có thể khiến bạn mệt mỏi! Đây là thời điểm mà tất cả các bước chuẩn bị trước sẽ chứng tỏ giá trị của chúng với bạn.
Hãy là một người chủ nhà thông minh bằng cách xác định rõ xu hướng nội thất mà bạn theo đuổi cho căn nhà của mình. Có khá nhiều cách khác nhau để bạn có thể bắt tay vào công đoạn này, dễ dàng nhất là làm các bài trắc nghiệm. Ngoài ra, bạn cũng có thể đọc thêm lời khuyên của chúng tôi tại bài viết này.
Hãy tham khảo mọi thứ bạn có thể, hỏi thêm ý kiến của chuyên gia hoặc người thân nếu cần. Sau đó, tùy thuộc vào chi phí đã hoạch định từ trước mà bạn bắt đầu lập tiêu chí và danh sách cho những vật dụng cần mua. Cuối cùng, đừng quên khảo sát kỹ giá thị trường để đảm bảo bạn không bị hớ khi mua hàng, hoặc phải thay đi đổi lại nội thất vì không ưng ý.
Đây là một quá trình đòi hỏi nhiều sự kiên nhẫn và cả tỉnh táo, nhưng chúng tôi cam đoan kết quả trả lại cho bạn sẽ rất xứng đáng.
5 - Hoàn thiện mọi thứ trước khi chuyển vào
Đây có vẻ là một lời khuyên hiển nhiên, nhưng bạn sẽ vì vui quá mà quên mất những công việc hậu kỳ quan trọng sau: nghiệm thu căn nhà và xác nhận chính sách bảo hành.
Chúng tôi chân thành khuyên bạn đừng để lại bất kỳ phần việc nào dang dở, vì yêu cầu nhà thầu quay lại sau này sẽ rất khó khăn. Ngoài ra, việc đảm bảo một chính sách bảo hành rõ ràng, nhất quán cho từng trang thiết bị trong nhà cũng quan trọng không kém. Bạn không muốn niềm vui của mình ngắn ngủi vì phải nhanh chóng lao vào giải quyết các vấn đề phát sinh, đúng chứ?
Hãy bình tình và giữ quyết tâm hoàn thiện trọn vẹn căn nhà để bạn có thể thật sự tận hưởng sự thoải mái và hạnh phúc khi bước vào căn nhà mới.